Bảo hiểm nhân thọ (tức là bảo hiểm con người) ra đời năm 1583 tại thành phố Luân Đôn, nước Anh. Trước thời gian này, chỉ có bảo hiểm phi nhân thọ, cụ thể là ban đầu chỉ có bảo hiểm thuyền bè và hàng hóa chở trên thuyền.
Bảo hiểm nhân thọ là một sản phẩm tài chính, giúp bảo vệ thu nhập chưa mang về nhà của người tham gia bảo hiểm. Theo đó, công ty bảo hiểm sẽ chi trả cho người thụ hưởng một số tiền biết trước, nếu không may người được bảo hiểm ra đi. Và để được bảo vệ với một mệnh giá nhất định, người mua bảo hiểm phải trả một khoản phí cố định hàng năm. Khoản phí này được công ty bảo hiểm tính toán dựa trên độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp, tình trạng sức khỏe và tỷ lệ tử vong.
Cha đẻ của bảng tỷ lệ tử vong là ông John Graunt (1620 -1674), một trong những nhà nhân khẩu học đầu tiên trên thế giới. Ông quan sát và viết cuốn Observations vào năm 1662, trong đó có các theo dõi, ghi chép về tỷ lệ sống, thống kê, xác suất sống sót cho từng lứa tuổi, trong bối cảnh người dân thành phố Luân Đôn đang bị dịch hạch hoành hành.
Sau đó, một nhà toán học dựa vào các con số đó để ra công thức tính rủi ro. Tuy nhiên, sau này thì mỗi nước có bảng tỷ lệ tử vong riêng, do lối sống và văn hóa khác nhau. Ở Việt Nam thì không có bảng này cho đến năm 1996, khi Bảo hiểm bắt đầu du nhập vào Việt Nam thì các nhà tính phí đã lấy bảng của Bắc Mỹ năm 1980 để áp cho Việt Nam.
Lịch sử thẩm định sơ bộ cũng chỉ bắt đầu từ năm 1725. Khi đó, khách hàng mua bảo hiểm chỉ phải trả lời đúng 1 câu hỏi duy nhất, là đã bị bệnh đậu mùa hay chưa? Cho đến năm 1809, mới bắt đầu có các câu hỏi liên quan đến sức khỏe, để thẩm định rủi ro trước khi mua bảo hiểm.
Tại Việt Nam, Bảo hiểm nhân thọ được chính thức ra đời năm 1996, khi Bộ Tài chính ký Quyết định số 281/TC/TCNH, lần đầu tiên cho phép Công ty Bảo Việt triển khai thí điểm bảo hiểm nhân thọ, phục vụ nhu cầu về bảo hiểm cho mọi tầng lớp nhân dân. Sản phẩm ban đầu chỉ có thời hạn 5 năm, 10 năm. Sau đó, không nằm ngoài xu hướng phát triển chung trên thế giới, các công ty bảo hiểm nhân thọ nước ngoài lần lượt vào Việt Nam, mở rộng mạng lưới khách hàng của mình. Có thể kể đến là Prudential, Manulife, AIA, Daiichi, FWD,…, tổng cộng đến thời điểm hiện tại (năm 2019) có 18 công ty bảo hiểm nhân thọ hoạt động tại Việt Nam và theo thông tin nội bộ là có khoảng hơn 30 công ty đang chờ được cấp phép.
Như vậy, bảo hiểm nhân thọ trên thế giới đã có lịch sử hơn 400 năm, ở Việt Nam mới được 23 năm, còn rất non trẻ. Khi chất lượng cuộc sống của con người ngày càng được nâng cao, thì việc tham gia bảo hiểm là một nhu cầu tất yếu, giúp quản trị rủi ro trong cuộc sống.